skip to Main Content

5. Chào giá một cách chuyên nghiệp

Post Series: Để có 5 sao

Cái profile mới toanh dù có trông chuyên nghiệp tới đâu cũng chỉ là một thứ đồ chơi mà thôi… Để chiến thắng tôi đã cần nhiều hơn thế. Muốn chiến thắng thì phải hiểu quy trình xét duyệt của nhà tuyển dụng:

  1. Đọc tên
  2. Xem hình đại diện
  3. Xem nội dung chào giá

Phần tên và hình đại diện tôi đã có nhắc tới ở bài trước. Bài này tôi nhấn mạnh lại là nếu 2 thứ đó của bạn không chuẩn thì bạn đã mất đi cơ hội đến được bước thứ 3 rồi. Tuy nhiên cũng có trường hợp do ít người bid nên chủ có thể sẽ bỏ qua cho khiếm khuyết đó.

Bài này tôi muốn nói rất kỹ về phần nội dung chào giá.

Hiện trạng

Tôi đã là người đăng tin tuyển dụng trên 3 mạng: freelancer.com, vlance.vn, freelancerviet.vn và phát hiện ra một thực trạng đáng buồn cười. Nghĩa là không phải chỉ các bạn Việt Nam bị đâu, mà cả tụi Ấn Độ, TQ, và rất nhiều người khác bị chung một khuyết điểm:

KHÔNG BIẾT CHÀO GIÁ!

Tại sao tôi lại dám nói như vậy? Bởi vì chả có ai hơi đâu đi đọc một đoạn bạn copy từ profile rồi paste vào phần chào giá của dự án cả. Là một nhà tuyển dụng tôi KHÔNG QUAN TÂM đến profile của bạn trừ khi bạn quan tâm tới DỰ ÁN CỦA TÔI.

Vì thế bạn copy profile và giới thiệu tào lao về bản thân mình làm gì? Trong khi tôi đâu có quan tâm về điều đó. Điều tôi quan tâm duy nhất là ai sẽ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ của dự án. Chấm hết!

Bạn đang chào giá với cái profile trắng bệch và những lời đại loại như là “Xin hãy tin tưởng tôi, tôi làm được tất cả những thứ ông yêu cầu!”? Xin lỗi bạn nhà tuyển dụng như tôi sẽ coi khinh những lời đó. Chính tôi đã thử thuê người như vậy và đã phải ngậm đắng nuốt cay với một dự án trễ hẹn 1 tháng và không có sản phẩm. Cái nhà tuyển dụng cần là thứ khác.

Ra giá chuyên nghiệp

Hiển nhiên khi chào giá thì tôi phải ra giá rồi. Để làm được điều đó tôi phải đọc yêu cầu của khách thật kỹ, sơ lược các bước chính, rồi tính tiền theo từng bước đó. Cán cân của tôi chính là thời lượng hoàn thành nhiệm vụ trong một tốc độ vừa phải. Có những việc khó như JS thì giá giờ của tôi rất cao, còn mấy việc vặt như HTML lại rất thấp.

Khi chọn được giá rồi tôi không quên nói với chủ đầu tư là tôi đã thêm 10% vì có chi phí dự án của web trung gian. Và thường thì khách hàng rất hào phóng trong việc cộng thêm khoản đó.

Viết bản chào giá chuyên nghiệp

Để đạt được hiệu quả 5 bid thắng 1, tôi thực hiện một bản chào giá của mình lần lượt theo các đoạn như sau:

  1. Giới thiệu
  2. Quan tâm
  3. Giải pháp
  4. Thành thật
  5. Mời trao đổi

1. Giới thiệu sơ lược về bản thân

Vâng, tôi cũng như bạn, tôi cũng giới thiệu về bản thân, nhưng chỉ đủ hiểu thôi: Tên tôi là Bình chuyên gia WordPress với 7 năm kinh nghiêm, và tôi cảm thấy rất tự tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ của dự án”. Nếu tôi nói dài hơn nữa họ sẽ không đọc tiếp mà bỏ qua mất nội dung chính. Nên khôn ngoan nhất là 1 câu ghép nói hết về thế mạnh quan trọng nhất của mình, và nó phải liên quan tới kỹ năng yêu cầu của dự án.

2. Quan tâm tới dự án

Dự án chính là đứa con tinh thần của chủ đầu tư. Vì thế tôi nói một câu khích lệ về dự án và 1 câu về kiến thức liên quan tới dự án đó. Như vậy đã thể hiện sự đồng cảm và khiến cho khách có cảm giác cùng trên một thuyền. Đây chính là tôn trọng khách hàng (sho respect).

3. Đề xuất giải pháp

Đa số các bạn đang ở trạng thái là: 1) mơ hồ, 2) giấu nghề. Cả 2 lý do này đều đủ để nhà tuyển dụng loại bạn khỏi danh sách shortlist của họ. Bạn mơ hồ nghĩa là bạn kém hiểu biết. Còn bạn giấu nghề nghĩa là bạn ngu ngốc.

Tôi không những quan tâm tới dự án mà còn đặt ra một kế hoạch giải quyết vấn đề cho khách ngay từ bản chào giá. Đương nhiên tôi không cụ thể tới mức hướng dẫn họ làm, mà tôi liệt kê các bước tôi thực hiện đủ để họ hiểu là tôi làm được. Chính điều này đã giúp tôi chiến thắng tâm lý tin tưởng của khách.

Trong các bước thực hiện tôi đều nêu rõ thời lượng và chi phí cho bước đó. Chính vì thế khách hàng rất yên tâm vì họ biết đang chi cho việc gì.

4. Cởi mở và thành thật

Đây chính là yếu quyết của những bước thành công đầu đời của tôi. Tôi đã biến cái profile gần như trắng tinh đó thành điểm mạnh. Bởi vì tôi đã nói với khách hàng câu này “Thưa ngài, tôi là người mới. Mặc dù tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm nhưng tôi muốn làm rẻ cho ngài để kiếm những đánh giá 5 sao đầu tiên của tôi. Tôi sẽ rất biết ơn ngài.”

Không những thế, tôi đã từng đối diện với cả dự án khó hơn năng lực của tôi. Và tôi đã nói với khách rằng “Tôi sẽ cần học hỏi thêm rất nhiều để hoàn thành dự án này, vì thế tôi sẽ làm rẻ hơn cho ngài và cần thời gian nhiều hơn người khác, bù lại tôi lấy giá rẻ nhất”. Đương nhiên là sau việc đó tôi lại tiếp tục được ông khách tuyển dụng rồi.

Bạn đã thử làm những điều đó chưa?

5. Mời trao đổi

Kết thúc bản chào giá tôi luôn có lời mời chủ đầu tư chát với tôi để bàn luận thêm về các vấn đề đã nêu. Các mục tiêu của dự án và cách giải quyết nhanh nhất. Hiển nhiên là nhận được lời mời đó khách hàng sẽ khó cưỡng được. Và đương nhiên để đạt được kết quả đó thì tôi phải online ngay lập tức khi họ nói “Hello”.

Kết luận

Cho dù bạn đang là một nhân viên đại tài hay là một doanh nhân thành đạt thì khi mới bắt tay vào làm freelancer bạn chỉ là đứa con nít thôi. Vì thế hãy chân thành với những khách hàng đầu đời của mình về điều đó. Và hãy thử tuân thủ các bước như tôi đã làm ở trên và xem, hiệu quả tăng lên nhiều thế nào. Tôi đã chiến thắng cả những người có hơn 200 đánh giá 5 sao và bước chân vào nghề. Chúc bạn cũng thành công như vậy.

Có 3 bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0
Back To Top
×Close search
Tìm kiếm